Banner

Khi xem một đoạn phim, những thứ mà chúng ta nhìn thấy trên màn ảnh sẽ được đưa vào bộ não, não bộ phân tích sau đó phản hồi lại bằng cảm giác. Nếu như thị giác tiếp nhận thông tin sai thì ngay lập tức cảm giác cũng sẽ bị sai theo. Và trong điện ảnh có một “nguyên tắc thuộc về thị giác con người” rất quan trọng, nếu không muốn nói là quan trọng nhất đối với các nhà làm phim – Nguyên tắc 180°. Hãy cùng Học Làm Phim tìm hiểu về nó trong tập 13 của Xách máy lên quay.

Trước tiên hãy xem thử một ví dụ sau đây, nhân vật đi từ bên trái qua bên phải khung hình. Và cảnh quay tiếp theo, nhân vật đi từ phải qua trái. Nếu ghép nối 2 cảnh quay lại với nhau, bạn sẽ có cảm giác nhân vật đang đi thẳng rồi lại vòng ngược lại. Nhưng thực tế, kịch bản lại là nhân vật đang đi thẳng trên con đường này. Chỉ là camera ở cảnh số 2 đã được đặt sang phía đối diện so với cảnh đầu tiên.

Hãy nhìn vào sơ đồ này, nhân vật đang di chuyển thẳng về phía trước. Camera quay theo từ trái qua phải. Ở shot quay tiếp theo, ta di chuyển camera ra phía đối diện và camera quay nhân vật từ phải qua trái. Và chính bởi sự đảo ngược chiều quay giữa 2 shot quay như vậy làm cho chúng ta cảm giác như nhân vật đi vào rồi lại đi ra.

Nguyên tắc 180 độ sẽ giúp chúng ta tránh được các lỗi sai tương tự, đem lại cho người xem cảm nhận chính xác về đối tượng và không gian. Nguyên tắc này rất đơn giản, hãy luôn xác định một trục liên kết trong khung hình và đặt vị trí camera của tất cả các shot quay cùng ở 1 bên của trục trong cảnh quay đó. 

Quay trở lại ví dụ lúc nãy, trục liên kết chính là hướng đi của nhân vật. Shot quay đầu tiên các bạn đặt camera ở bên này của trục thì shot quay tiếp theo hãy vẫn đặt camera ở phần bên này và tuyệt đối không di chuyển camera sang phần còn lại của trục.

Cảnh quay có 1 chủ thể chuyển động thì dễ rồi. Vậy thì với những cảnh quay có 2 người trở lên, chúng ta sẽ xác định trục liên kết như thế nào?

Ví dụ như cảnh quay 2 nhân vật đang nói chuyện như thế này đi! Rất đơn giản, chúng ta sẽ xác định trục liên kết chính là đường thẳng nối 2 nhân vật. Từ đó, đặt vị trí các camera ở 1 bên của trục.

Hãy xem thử nếu không tuân thủ nguyên tắc 180 độ, cảnh quay trông sẽ như thế nào? Ở cảnh đầu tiên, mình ở bên trái của khung hình. Sang đến cảnh thứ 2, mình lại nằm ở bên phải khung hình. Có gì đó sai sai nhỉ? Phải đổi lại như thế này mới đúng.

Và cũng tương tự với cảnh quay 2 người, 3 người, 4 người hoặc nhiều hơn. Chúng ta cũng  tạo ra các trục liên kết và đặt các camera ở duy nhất 1 bên trục.

Ngoài áp dụng với vị trí camera thì nguyên tắc 180 độ cũng áp dụng cho cả ánh sáng nữa.

Hãy thử tưởng tượng, shot quay đầu tiên, ánh sáng chiều từ sau lưng nhân vật tạo thành các đường ven rõ rệt. Bởi vậy bóng của nhân vật sẽ đổ về phía trước. Chúng ta chuyển tiếp đến một cảnh trung tiếp theo và lại thấy ánh sáng chiếu theo chiều ngược lại, bóng nhân vật đổ ra đằng sau. Trông sẽ rất vô lý phải không các bạn?

Vị trí của nhân vật và không gian xung quanh không hề thay đổi. Nhưng khi ta thay đổi vị trí nguồn sáng sai trục cũng sẽ dẫn đến việc gây cảm giác sai lỗi về thị giác cho người xem.

Đôi khi chúng ta cũng có thể phá vỡ nguyên tắc 180 độ để tạo ra những cảnh quay với 1 góc nhìn, 1 cảm giác thú vị, mới mẻ, hay tạo sự mất phương hướng cho người xem theo ý đồ của kịch bản.

Hoặc cũng có một cách khác, trước khi đổi trục, hãy tạo thêm một cảnh quay chuyển động để mắt người xem dần thích nghi với các vị trí mới của nhân vật, mà không hề cảm thấy có chỗ nào bị nhầm lẫn.

Nguyên tắc sinh ra là để phá vỡ. Câu nói này không sai. Nhưng cứ nắm rõ từ những thứ cơ bản và hiểu được mình muốn thể hiện cảnh quay như thế nào, chắc chắn bạn sẽ thành công.